Bí quyết giúp bạn cải thiện kỹ năng đọc hiểu tiếng Anh.

Trong tiếng Anh, việc lĩnh hội những gì được viết ra gọi là kỹ năng đọc hiểu (Reading comprehension) và thực tế, ngay cả người bản địa, không phải ai cũng thành thạo kỹ năng này. Lý do thì rất nhiều, có thể là vốn từ vựng quá ít, đọc không tập trung, bị phân tán bởi các suy nghĩ khác hay nội dung kém hấp dẫn khiến quá trình đọc không diễn ra suôn sẻ.

Có thể bạn được khuyên rằng hãy luyện đọc thật nhiều thì một ngày nào đó, bạn sẽ hiểu hết thôi nhưng thực sự là bạn sẽ khó đạt được điều này nếu như không có một phương pháp phù hợp.

Bí quyết cải thiện kỹ năng đọc hiểu tiếng Anh

Trước khi bắt đầu mở khóa bí quyết, hãy cùng liên tưởng đến chiếc giàn giáo (Scaffolding).

Khi xây một ngôi nhà, không phải bạn sẽ hoàn thành tất cả mọi thứ cùng một lúc. Những người thợ sẽ phải tạo một kiến trúc tạm thời để giữ cho ngôi nhà được cân bằng và làm nền móng để xây dựng những phần cao hơn. Kiến trúc tạm thời đó được gọi là giàn giáo (Scaffolding).

Giàn giáo cũng là một phương pháp học tập. Ý tưởng ở đây là để thành thạo một kỹ năng thì bạn cần rèn luyện những phần nhỏ hơn mà có thể giúp bạn đạt được kiến thức và kỹ năng đó.

Muốn thành thạo kỹ năng đọc hiểu tiếng Anh cũng vậy. Để thực sự hiểu điều đang đọc, bạn cần học những kỹ năng khác trước. Bạn cũng cần rèn luyện kỹ năng đọc nhanh (hoặc đọc chậm), dừng thói quen lựa chọn các đầu sách khó và bắt đầu tìm kiếm những cuốn phù hợp với trình độ hiện tại của mình. Hãy bắt đầu với những cái dễ hơn, nhỏ hơn và đọc với tốc độ chậm hơn, sau đó, mới dần dần tăng độ khó.

Từ bây giờ, hãy ghi nhớ điều này mỗi khi bạn cần cải thiện kỹ năng nghe, nói, viết chứ không đơn giản chỉ là đọc hiểu.

Dưới đây là 8 bước giúp bạn chinh phục kỹ năng đọc – hiểu tiếng Anh nhanh nhất.

Bước 1: Luôn luôn chọn khoảng thời gian đặc biệt để đọc

Bạn có thể đọc thứ gì đó hài hước mọi lúc, mọi nơi, chẳng hạn như trên xe bus, trên giường hay tại nơi làm việc và bạn có thể thưởng thức cuốn sách thú vị đó.

Tuy nhiên, nếu muốn cải thiện kỹ năng “hiểu” thì bạn cần tập trung và có sự nghiên cứu. Điều này có nghĩa là việc đọc cần được dành một khoảng thời gian đặc biệt: toàn tâm toán ý cho việc đọc, tránh để bị các yếu tố bên ngoài hoặc suy nghĩ phân tán tư tưởng, môi trường đọc yên tĩnh, không có tiếng ồn và các tác động khác.

Áp dụng:

  • Hãy dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để đọc tập trung. Càng đọc nhiều trong môi trường như vậy thì bạn càng cải thiện được kỹ năng của mình.
  • Hãy biến quá trình đọc trở thành một “nghi thức”, đại loại là giống một thứ gì đó mà bạn buộc phải thực hiện mỗi ngày.
  • Tìm kiếm một nơi yên tĩnh, thoải mái với ánh sáng nhẹ chiếu vào.
  • Chuẩn bị mọi thứ muốn đọc trước khi ngồi xuống, bao gồm sách/báo, bút, notebook, từ điển, đồ uống để tránh phải đi lại nhiều lần.
  • Quyết định khoảng thời gian đọc (30 phút là lựa chọn tốt).
  • Để điện thoại, máy tính bảng, ipad và tất cả các thiết bị điện tử khác ở chế độ im lặng.

Nếu thực hiện được tất cả những điều này thì bộ não sẽ “hiểu” rằng đó chính là lúc bạn đã sẵn sàng tập trung để đọc.

Bước 2: Lựa chọn nội dung phù hợp để đọc

Khi chọn sách/báo để đọc thì có hai điều bạn cần nhớ đó là: (1) bạn thấy thú vị với nội dung đó và (2) phù hợp với trình độ (level) của bạn.

Tất nhiên, bạn có thể thử thách bản thân mình bằng cách lựa chọn nội dung có độ khó cao hơn một chút so với trình độ hiện tại. Tuy nhiên, đừng quá khó vì bạn sẽ không thể nào lĩnh hội được hoàn toàn ý của tác giả.

Một số trang web trực tuyến giúp bạn lựa chọn được đầu sách phù hợp để đọc:

  • Listopia (Goodreads) có rất nhiều list sách hay được tạo bởi những người yêu sách giống như bạn.
  • Your Next Read cho phép bạn tìm kiếm các cuốn sách tương tự như cuốn bạn vừa đọc hoặc bạn có thể khám phá các list sách khác.
  • Jellybooks giúp bạn tìm hiểu những cuốn sách mới hoặc đọc các bản sample trước khi quyết định mua chúng.
  • Whichbook là một website rất khác. Bạn có thể tìm kiếm thứ gì đó bất kỳ trong một cuốn sách, chẳng hạn như chủ đề hạnh phúc, nỗi buồn, vẻ đẹp… và website này sẽ đề xuất cho bạn những đầu sách tương ứng với lựa chọn đó.

Bước 3: Đặt câu hỏi trong quá trình đọc và sau khi đọc xong

Muốn hiểu một cuốn sách đòi hỏi bạn phải làm nhiều hơn nữa chứ không đơn giản chỉ là đọc từng chữ.

Trước khi đọc, hãy lướt nhanh qua nội dung (đừng đọc từng từ) và sau khi đọc, cũng làm như vậy, đồng thời tóm tắt những gì bạn có thể nhớ. Bạn có thể viết hoặc nói ra một vài câu có thể mô tả sơ qua nội dung của tài liệu. Bằng cách này, bạn có thể nắm được liệu mình hiểu được bao nhiêu ý của tác giả và vẫn còn điều gì chưa thực sự thông suốt.

Áp dụng:

Một số câu hỏi mẫu mà bạn có thể tự hỏi trước khi đọc:

  • Có từ ngữ nào trong sách/bài báo được in đậm hoặc in nghiêng không?
  • Có tiêu đề hoặc chú thích nào không?
  • Có tên riêng hoặc địa danh nào được đề cập đến không?
  • Có nhiều đoạn hội thoại trong sách không?
  • Các đoạn văn dài hay ngắn?

Một số câu hỏi mẫu mà bạn có thể tự hỏi sau khi đọc:

  • Cuốn sách/đoạn văn/bài báo nói về cái gì?
  • Điều gì quan trọng nhất đã được tác giả nhấn mạnh?
  • Có thứ gì đó khiến bạn chưa thực sự hiểu không?
  • Có thứ gì đó khiến bạn cảm thấy sốc/kinh ngạc/bất ngờ không?
  • Có thứ gì đó khiến bạn không đồng ý với quan điểm của tác giả?

Bước 4: Cải thiện sự thành thạo (Fluency) đầu tiên

“Reading. Is. Fun”.

Hãy tưởng tượng đọc toàn bộ một bài báo hoặc một cuốn sách được viết kiểu như câu trên và bạn phải dừng lại sau mỗi từ (do sau mỗi từ là một dấu chấm). Rất khó để hiểu được ý của nó muốn nói gì.

Bạn không thể nào hiểu hết được những gì bạn đọc nếu chỉ đọc từng từ thay vì đọc cả câu. Đó là lý do tại sao, muốn cải thiện kỹ năng đọc hiểu thì điều quan trọng là bạn phải cải thiện sự thành thạo trước.

Thành thạo ở đây ám chỉ bạn đọc “mượt” như thế nào. Khi đọc thầm trong đầu, bạn nên tạo ra nhịp điệu cho từng từ. Các từ sẽ được kết nối với nhau một cách tự nhiên như lúc có ai đó đang nói chuyện với bạn.

Áp dụng:

  • Đa phần, nhiều từ trong tiếng Anh bạn thấy khi đang đọc thường là “sight word” – nghĩa là các từ phổ biến, xuất hiện với tần suất cao và không thể học được bằng cách sử dụng các hình ảnh, chẳng hạn như “the”, “of”, “and”, “a”, “without”, “once”, “past” hay “with”….
  • Bạn có thể luyện tập cách đọc sight word rất nhanh, chỉ bằng cách dành 1 hoặc 2 phút mỗi ngày để lướt qua danh sách các từ này và đọc chúng nhanh nhất có thể.

Lưu ý rằng bài tập này là luyện đọc nhanh, chứ không phải đọc hiểu. Một khi đã quen với một tốc độ đọc thoải mái, bạn sẽ có thời gian để tập trung vào việc “hiểu”.

Bước 5: Khi đã học được cách tăng tốc độc đọc thì hãy đọc chậm lại

Khi đã học được cách đọc thành thạo, bạn có thể dừng lo lắng về tốc độ đọc của mình và hãy bắt đầu nghĩ tới ý nghĩa của từng câu chữ. Đã đến lúc đọc chậm lại.

Cách tuyệt vời để tự giảm tốc độ đọc đó chính là đọc to câu văn. Điều này không chỉ giúp bạn luyện tập đọc – hiểu mà còn cải thiện cả kỹ năng phát âm, nghe và nói nữa. Hãy tập trung đọc và phát âm từng từ một cách cẩn thận.

Nếu không thể (hoặc không muốn đọc to) thì hãy dừng sau mỗi vài đoạn văn để chắc chắn là bạn toàn tâm toàn ý cho việc đọc.

Ngoài ra, cũng có một cách khác để kiểm soát tốc độ đọc đó là note và ghi ra giấy các câu hỏi.

Bước 6: Đặt nhiều câu hỏi

Bạn càng đặt nhiều câu hỏi về những gì đang đọc thì bạn càng có cơ hội khám phá sâu hơn ý nghĩa của chúng. Bạn có thể thử một vài câu như “chuyện gì đang xảy ra vậy?”, “ai là nhân vật chính?”, “ông ta đã làm gì?” hay “cô ấy đang nghĩ gì?”.

Áp dụng:

  • Viết tất cả các câu hỏi ra giấy và bám sát vào chúng trong quá trình đọc.
  • Sau khi đọc xong, hãy xem lại các câu hỏi và tìm hiểu có bao nhiêu câu hỏi bạn đã tìm ra được câu trả lời. Nếu có câu nào chưa giải thích được, hãy đọc lại đoạn văn chứa nghi vấn đó.

Bước 7: Đọc lại một lần nữa

Nhà thơ Ezra Pound khi đề cập đến việc đọc sách đã từng nói rằng, “trong lần đọc đầu tiên, chẳng ai thực sự hiểu được bất cứ điều gì từ cuốn sách đó cả”.

Thi thoảng, việc đọc một cuốn sách chỉ một lần chưa đủ để bạn có thể lĩnh hội được thông điệp của tác giả, đặc biệt là với những tác phẩm mang tính nghiên cứu chuyên sâu hoặc “kén” người đọc.

Do vậy, đọc lại là cách tuyệt vời để giúp bạn giải mã ý nghĩa của từng câu chữ, tìm kiếm những nội dung mà bạn đã vô tình bỏ qua trong lần đọc đầu và ghi nhớ nội dung sâu hơn nữa.

Áp dụng:

  • Nếu đang muốn đọc hiểu một cuốn sách tiếng Anh thì hãy lựa chọn các đầu sách mỏng, có thể chỉ gồm vài đoạn. Truyện ngắn, bài báo là các lựa chọn tuyệt vời.
  • Sau khi đọc xong lần thứ nhất, hãy cố gắng ghi ra giấy những điều bạn nhớ.
  • Đọc lại một lần nữa và tiếp tục làm như bước thứ hai. Lúc này, bạn sẽ thấy mình nhớ được nhiều nội dung hơn trước.

Lần thứ nhất đọc, bạn hiểu được cuốn sách đề cập đến vấn đề gì. Lần thứ hai đọc, bạn hiểu được tác giả đang thực sự muốn nói gì và lần thứ ba đọc, bạn sẽ hiểu được những nội dung đó có tác động như thế nào đối với cuộc sống hiện tại.

Bước 8: Đọc nhiều thể loại

Không chỉ sách, báo, bạn có thể đọc email, blog, tweet…. Càng đọc nhiều nội dung bằng tiếng Anh thì bạn càng hiểu sâu hơn ngôn ngữ.

Đừng chỉ đọc một loại nội dung duy nhất mà hãy đa dạng hóa để hiểu các từ ngữ thay đổi như thế nào trong các ngữ cảnh khác nhau và bạn sẽ thấy tiếng Anh thú vị hơn rất nhiều.

Áp dụng:

Bạn có thể truy cập vào một số trang web sau để tìm kiếm nội dung mới lạ:

  • StumbleUpon
     đề xuất các trang web dựa trên sở thích của bạn.
  • Digg tập hợp các câu chuyện thú vị được thu thập trên Internet.
  • Reddit tập hợp các website và hình ảnh được lượm lặt bởi những người dùng khác.

Ngay bây giờ, hãy thử áp dụng chiến lược rèn luyện đọc hiểu tiếng Anh trên và tất nhiên, bạn cũng có thể sử dụng bí quyết này để học kỹ năng Reading trong các ngôn ngữ khác.

Bạn có thể xem thêm Bí quyết làm trắc nghiệm tiếng Anh nhanh

Hoặc học tiếng Anh qua truyện cười Học Tiếng Anh Qua List Truyện Cười Tiếng Anh Hay Nhất Có Phụ Đề Song Ngữ

-Sưu tầm-

3 Trackbacks / Pingbacks

  1. What are methods of conservation for animals and plants?
  2. 9 cuốn truyện gối đầu khi mới học tiếng Anh
  3. Đọc hiểu tiếng Anh sẽ dễ dàng hơn với những kĩ năng này

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*